Nghỉ học thêm, phụ huynh hoang mang

Chủ nhật - 11/11/2012 20:37
Từ góc độ của một phụ huynh học sinh, tôi nhận thấy chúng ta chưa đánh giá vấn đề dạy thêm học thêm từ nhiều phía.

Hỏi bất kì học sinh THCS nào đang học thêm - nay “bỗng dưng” nghỉ sẽ nhận được câu trả lời "cũng có sướng, thêm được thời gian nghỉ ngơi nhưng khi học và làm bài tập thì rất chật vật, khó khăn..."

Con trai tôi là một ví dụ. Cháu nói “học mỗi bài thơ trên lớp (môn Ngữ văn 7) chỉ được gói gọn trong 35 phút, vì 10 phút đầu giờ cô giáo còn phải kiểm tra bài cũ và nhắc nhở một số việc chung của lớp (cô dạy văn đồng thời là cô giáo chủ nhiệm). 35 phút ấy không đủ để chúng con hiểu hết từ phiên âm chữ Hán, sang bản dịch nghĩa rồi mới đến dịch thơ, mà toàn những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hàm ý sâu xa.

Vậy nên để thật hiểu bài và làm được bài tập thì chúng con đành trông chờ vào buổi học thêm. Cô giáo hướng dẫn cho chúng con cách cảm thụ bài thơ, cách chuyển những cảm xúc suy nghĩ của mình về tác phẩm lên trang giấy, mà những việc đó ở trên lớp chính khóa không bao giờ có thời gian để làm, vì chương trình ken kín một cách nặng nề.

Bài thơ nọ nối tiếp bài thơ kia, lại toàn những từ ngữ xa lạ khó hiểu với bọn con ngày nay, nếu không học thêm thì con sẽ không thể hiểu hết”. Cháu thật sự thấy hoang mang trong việc học của mình (đó mới chỉ là 1 môn văn) làm vợ chồng tôi cũng lo lắng theo và tự hỏi không biết việc dừng dạy thêm học thêm sẽ kéo dài đến bao giờ.

Đem câu chuyện này của con tâm sự với cô em họ cũng là một giáo viên THCS, tôi được biết chương trình của các môn học ở cấp THCS rất nặng, đặc biệt là văn và toán lớp 9. Trước mắt HS là một kì thi vào lớp 10 THPT đầy thử thách mang tính cạnh tranh cao, xin hỏi có HS lớp 9 nào ở Hà Nội không học thêm? Các bậc PHHS chúng ta có đủ thời gian và trình độ chuyên môn cũng như sư phạm để hàng ngày kèm con học “Truyện Kiều” hoặc làm bài tập về hàm số, đồ thị… không?

Cũng con tôi - đứa lớn - năm ngoái vừa thi vào lớp 10 THPT, ngoài giờ học chính khóa còn đi học thêm để đủ tự tin vững vàng bước vào phòng thi. Đưa đón con hàng ngày, tôi chứng kiến tận mắt sự tận tụy, tâm huyết của các thầy cô giáo. Hết giờ học thêm, HS ra về hết nhưng cô vẫn ở lại chữa bài tỉ mỉ cho vài HS yếu chưa theo kịp các bạn. Rồi hàng tuần tôi kí bài tập tuần cô ra thêm cho HS được ôn kĩ càng, giải quyết được nhiều dạng bài khó.

Giáo viên, như tôi nhận thấy, làm việc rất vất vả cực nhọc, nhưng họ vẫn bền bỉ, kiên trì, tận tâm với HS. Bao tâm trí, công sức bỏ ra vì học sinh, khi dạy thêm họ cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm vì bao nhiêu PHHS nhìn vào, sao dư luận cứ kêu ca? Có phải chính PHHS chúng ta tin tưởng giáo viên nên mới gửi con em mình cho họ mà không phải là gửi đến các anh chị sinh viên ở các trung tâm gia sư mọc lên nhan nhản không?

Bây giờ con em nghỉ học thêm, các PHHS có lo lắng vì khoảng thời gian đó có thể con lê la ở các quán internet hoặc chơi bời, xem phim, làm những trò vô bổ giết thời gian không? Học sinh tự học lấy ở nhà có phải là đang rối mù trong một mớ bòng bong vì không được ai hướng dẫn kèm cặp không? Giá như chương trình giáo dục của Việt Nam đừng nặng nề, giá như các em đến trường được thoải mái với việc học mà không phải đối đầu với lượng kiến thức khổng lồ và những kì thi căng thẳng thì HS, PHHS và giáo viên đâu phải mệt mỏi với việc dạy thêm học thêm như thế!

Một điều nữa tôi thấy cần lên tiếng chính là cách gọi của dư luận xã hội đối với vấn đề dạy thêm học thêm. Sao lại gọi là “nạn’ dạy thêm học thêm? Gọi như thế là đánh đồng nó với các nạn nghiện hút, mại dâm, cờ bạc…? Đành rằng có những giáo viên lợi dụng việc dạy thêm để ép HS, để thu lợi bất chính nhưng chắc chắn đó chỉ là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Còn hàng triệu giáo viên yêu nghề và tâm huyết với HS, ngày đêm kiên nhẫn bền bỉ với sự nghiệp “trồng người” đang trong giai đoạn hết sức gian nan và nhiều tranh cãi này. Dạy thêm, ngoài việc để có thêm thu nhập từ chính trí tuệ công sức của mình một cách chính đáng, còn là cách để giáo viên san sẻ những gánh nặng đang chất lên vai những HS non nớt của mình bởi một nền giáo dục ai cũng nhìn thấy là vô cùng bất cập.

Công việc của giáo viên đáng được trân trọng như thế mà dư luận không nhìn nhận cho thấu đáo, e rằng chúng ta đang đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” lâu đời của dân tộc. Ai cũng biết câu ca dao của ông cha “ Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” nhưng càng ngày càng nhiều người không biết “yêu” bằng tình cảm thực sự từ trái tim!

Quay trở lại việc ngừng dạy thêm học thêm, PHHS chúng tôi mong muốn Sở GD và ĐT giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, kẻo các con chúng tôi đang hoang mang quá.

Nếu cứ không dạy thêm học thêm, liệu các vị lãnh đạo có đảm bảo được cho các con chúng tôi có đủ kiến thức và kĩ năng để vượt qua những kì thi cam go của một nền giáo dục đang xuống cấp như hiện nay không?
 
VNN

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEBSITE
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay88
  • Tháng hiện tại997
  • Tổng lượt truy cập2,051,572
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây