Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ năm - 15/12/2016 22:31

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

BÀI THAM LUẬN VỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO 
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
 
Kính thưa:  Quý vị đại biểu! - Thưa các đồng chí!
Hôm nay tôi rất vinh dự được đại diện cho các giáo viên của trường tham luận về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước hết, cho phép tôi được gửi tới quý vị đại biểu và toàn thể Hội nghị lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
Thưa hội nghị! Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam noi theo. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng và là một người cộng sản vĩ đại. Đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người chân chính, bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học tập để làm theo, để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt hơn trong xã hội.
Qua quá trình nghiên cứu và học tập, tôi đã thấm nhuần được:
* Về tư tưởng: Tôi xin được nói về tư tưởng của Bác đối với sự nghiệp trồng người:
- Một là, tư tưởng “thương yêu con người” của Hồ Chí Minh vạch ra phương hướng cơ bản về chiến lược con người, chiến lược phát triển giáo dục của đất nước ta, tất cả đều hướng vào việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ con người.
- Hai là, trong di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề Bác đặc biệt quan tâm là đào tạo con người Việt Nam thông qua hoạt động giáo dục – nâng cao dân trí gắn với mục tiêu xây dựng đất nước. Bác yêu cầu sản phẩm của quá trình giáo dục và đào tạo về con người Việt Nam mới là: Có ý thức và tinh thần làm chủ tập thể, có tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.  Về nghề dạy học, Bác nói rằng:  Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình, sản phẩm của việc “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”;  về phương pháp dạy học, Bác nói: “Dạy dạy Mầm non cốt nhất là giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu; dạy Tiểu học cốt nhất là dạy các đức tính để làm người; dạy phổ thông cốt nhất là dạy KT cơ bản, học xong phải đi làm việc được ngay, rồi tiếp tục học lên; dạy Đại học phải phải dạy theo phong cách nghiên cứu khoa học”.
- Ba là, tư tưởng tự học, Bác dạy: Trong cách học cốt nhất là tự học, nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội ngày càng đi tới, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải và tự mình đào thải mình”
* Những phong cách Hồ Chí Minh cần phải noi theo là:
- Về phong cách tư duy:  Độc lập, tự chủ và sáng tạo.
- Về phong cách diễn đạt: Cần giản dị, trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu. Xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích cần diễn đạt. Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào?
- Về phong cách làm việc: Luôn quan tâm, tôn trọng lắng nghe các ý kiến của mọi người; luôn tôn trọng tập thể; làm việc khoa học, “đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu” nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp.
- Về phong cách ứng xử: Phải ứng xử văn hóa, tự nhiên, cởi mở, chân tình và khiêm nhường; Khi cần phê bình phải nghiêm khắc, không bao giờ bao che nhưng không hạ thấp hay vùi dập.
- Về phong cách sinh hoạt: Đó là sự giản dị, trong sạch, thanh cao; cách sống chừng mực, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian.
* Nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, những người đảng viên, giáo viên chúng ta phải làm gì để học tập theo Bác? Để trả lời câu hỏi đó theo tôi chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Tích cực học tập, nhận thức đầy đủ những nội dung trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, vận dụng khéo léo trong việc dạy học, giáo dục học sinh và đời sống hàng ngày;
- Tự giác trong tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tin học, ngoại ngữ; tích cực đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng chuyên môn.
- Thực hiện lời dạy của Bác “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được”. Vì thế trong dạy học không những truyền đạt kiến thức mà còn phải dạy bằng cả con tim, bằng cả tấm lòng đối với học sinh.
- Với học sinh, chúng ta phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, luôn chia sẻ và đồng cảm với các em, gần gũi để động viên và khơi dậy niềm đam mê học tập, sáng tạo  học tập; bồi dưỡng những học sinh có năng lực tốt, giúp đỡ những em năng lực yếu, chưa ngoan… để mỗi em luôn có trong mình những ước mơ, những hoài bão với tri thức khoa học; có ý thức xây dựng đất nước và xã hội tốt đẹp.
- Với đồng nghiệp, phải luôn hòa nhã, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cùng nhau xây dựng tập thể đoàn kết. Phải coi nhà trường là ngôi nhà thứ hai, mỗi đồng chí, đồng nghiệp là anh em ruột thịt của mình để cùng hướng đến một mục tiêu chung là “Xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh; nhà trường phát triển toàn diện”. Chắc trong mỗi chúng ta cũng đã có những lần chưa thành công trong công việc, trong cuộc sống nhưng chúng ta đều vượt qua nhờ có sự động viên và giúp đỡ tận tình của đồng  chí, đồng nghiệp.
Dù Bác đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn là những bài học quí báu, mang giá trị thực tiễn rất cao. Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên và suốt đời của mỗi chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn!

Tác giả bài viết:  Nguyễn Thị Hạnh Phước

Nguồn tin: Tham luận

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hạnh Phước

Nguồn tin: Tham luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEBSITE
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay129
  • Tháng hiện tại1,038
  • Tổng lượt truy cập2,051,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây