Vì đâu teen sợ đến trường?

Thứ tư - 07/08/2013 08:17
Bên cạnh điểm số - vốn là áp lực muôn thuở, hàng ngày đến trường, nhiều teen còn phải chịu hàng tá những áp lực khác.

Bạn bè "anti"

Mang tiếng là bí thư kiêm thủ quỹ nhưng Thanh Huyền (17t, HN) lại không hề được lòng “thần dân” trong lớp. Gần như mọi đề xuất, ý tưởng do cô nàng đưa ra, đều bị các  thành viên kịch liệt phản đối. Lớn tiếng chê bai đã đành, họ còn anti “hội đồng” dưới nhiều hình thức khác nhau, mục đích là để cô nàng uất ức, chán nản mà buông xuôi, “từ chức”. Một trong số đó là vụ Huyền được cô giáo và cả lớp nhất trí cử đi thi Học sinh thanh lịch. Ban đầu, hội những người ghét cay ghét đắng cô nàng tỏ vẻ ủng hộ, song thực chất của sự “bỏ phiếu” này là nhằm chơi khăm Huyền một vố thật đau. Tối hôm thi, cả lũ rồng rắn kéo nhau đi xem nhưng thay vì cổ vũ cho cô nàng, họ đồng loạt reo tên thí sinh khác. Người ngồi cạnh có thắc mắc hỏi, thì họ thản nhiên buông một câu xanh rờn: Là do cô giáo chủ nhiệm chọn, chứ lớp mình chẳng ai ưa nó…

Sau đó, hàng tá tội danh của Huyền được cả nhóm đem đi kể. Kết quả là dù đạt giải phong cách nhưng trong mắt mọi người, cô bạn vẫn mất điểm ít nhiều.

Vì đâu teen sợ đến trường

Nhiều teen sợ đến trường

Thực tế  rất nhiều bí thư, lớp trưởng tuy được thầy cô tin yêu nhưng bạn bè trong lớp thì lại ghét ra mặt. Bất kỳ yêu cầu nào từ phía nhà trường, cô giáo do họ truyền lại, đều bị “an ti”. “Nhẹ” thì chấp nhận làm theo trong khiên cưỡng. “Nặng” thì cố tình phớt lờ, trì hoãn hoặc bày trò chơi khăm như trường hợp nói trên. Dù có thể rất bản lĩnh, nhưng trước sức mạnh “bầy đàn”, không ít trường hợp đã bật khóc và nhất quyết xin từ chức. Bởi thế, tuy mang tiếng là có chút “quyền lực” trong tay, nhưng chính họ mới là kẻ bị đẩy vào hàng thế yếu.

Trò đùa giới tính

Với những teen thuộc giới tính thứ ba, đặc biệt là thành phần “bóng lộ”, mỗi ngày đến lớp tựa như một cơn ác mộng. Thay vì tỏ vẻ thông cảm, chia sẻ, giới tính của họ bị bạn bè chế giễu đưa ra làm trò đùa ngay tại lớp học.

Câu chuyện của Việt Phương (16t, Đà Nẵng ) là một ví dụ. Dáng điệu lả lướt, giọng nói có phần “mai mái”, nên dễ hiểu vì sao cậu bị hội con trai trong lớp gọi là “ xăng pha nhớt”.  Hà - Một người bạn của Phương cho hay: "Tụi nó nghĩ ra đủ trò chế nhạo, sỉ nhục cậu ấy. Có lần, Phương bị mấy đứa quây lại và thản nhiên hỏi: Khai thật đi. Có phải mày thích thằng Quân không? Sở dĩ họ gán ghép như vậy vì Quân là hotboy, đẹp trai nhất khối, nên Phương ắt phải để ý. Điều đáng nói là anh chàng này cũng hùa vào chế nhạo, bỉ bai Phương. Thậm chí, khi Phương đi vệ sinh, sẽ có một nhóm theo sau, dồn cậu vào tường khám “hàng”, rồi kéo đến khu vực WC nữ hét lớn: Đây mới là chỗ của mày nè!".

Chịu không nổi trò đùa ác ý của tụi bạn, đã không ít lần anh chàng phản kháng, nhưng lần nào Phương cũng thua, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Sự vô tâm đến tàn nhẫn của những người bạn cùng lớp, thậm chí cùng chung dãy bàn, đã  biến nhiều teen giới thứ ba thành những nạn nhân bắt đắc dĩ. Họ hoặc nén lòng chịu đựng, hoặc tìm cách chuyển trường khi vết thương giới tính của mình đã hứng quá nhiều nỗi đau.

Thầy cô khó tính

Được ví như người cha, người mẹ thứ hai của học sinh, nhưng không ít teen đã thú nhận là họ sợ giáo viên như sợ cọp. Nguyên nhân là vì một số thầy cô hiện nay đã lạm dụng quá đà “quyền được dạy dỗ” học sinh nên em nào làm phật ý, là bị mắng chửi thậm tệ. Quá hơn, thì có thể “ăn ngon ơ” những cái tát đau điếng vào mặt.

Vì đâu teen sợ đến trường

Cách đây chưa lâu, bức ảnh chộp một hành động “bất thường” trong giờ thể dục của tập thể lớp 11A6 trường THPT Marie Curie (TP HCM) đã khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về phương pháp sư phạm của giáo viên. Tấm hình chụp cảnh một nam sinh mặt nhăn nhó, sợ hãi, co rúm người, lấy 2 tay bịt “chỗ hiểm” còn giáo viên thì cứ “hồn nhiên” véo vào đó. Điều đáng nói là sự việc này không chỉ xảy ra duy nhất một lần mà thường xuyên được cô giáo áp dụng để răn đe học sinh.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”- câu khẩu hiệu đó vẫn đang được treo tại rất nhiều trường học hiện nay. Nhưng với không ít teen, những giờ lên lớp thật sự hãi hùng bởi phương pháp giáo dục thiếu sự tinh tế của giáo viên cũng như sự vô tâm, ác ý của hội bạn. Có lẽ, chỉ tình yêu thương, thái độ tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau, chốn học đường mới thôi “dậy sóng”.


Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEBSITE
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay156
  • Tháng hiện tại1,065
  • Tổng lượt truy cập2,051,640
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây