THCS Nguyễn Thiếp - Mái trường sâu nặng nghĩa tình

Trường THCS Nguyễn Thiếp, tiền thân là trường Trung học Thạch Hà, ra đời năm 1949 trên đất “Làng đỏ” Phù Việt (Thạch Hà), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Đây là trường trung học đầu tiên của huyện Thạch Hà và là một trong rất ít trường ở Hà Tĩnh thời kỳ ấy cho nên ngoài số học sinh trong xã, các xã lân cận như Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Long... còn có học sinh Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn và học trò Nghệ An vào, từ Bình Trị Thiên khói lửa ra. Thầy và trò trường Phù Việt ngay từ những năm đầu sơ khai, đã luôn thực hiện “Dạy tốt, học tốt”.Trải qua các thời kỳ, trường vẫn bền bỉ, vững chải nuôi dưỡng những tài năng và lòng yêu nước.Theo dòng chảy của thời gian, trường Phù Việt bồi đắp thêm cho mình những mạch nguồn mới, những truyền thống cao đẹp, kế thừa xứng đáng truyền thống hiếu học của cha ông từ bao đời nay.
THCS Nguyễn Thiếp - Mái trường sâu nặng nghĩa tình

THCS Nguyễn Thiếp - Mái trường sâu nặng nghĩa tình


Năm1964, trước yêu cầu của đất nước khi bước vào giai đoạn mới, bên cạnh trường cấp 2(THCS) Phù Việt, Trường cấp 2 Kênh Liên cũng được thành lập, nhằm tạo thuận lợi trong học tập cho con em Thạch Kênh và Thạch Liên (sau 2 năm mới tách trường riêng từng xã).Ngay từ khi ra đời, các trường đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ cùng với cả nước chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; thầy trò vẫn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bám trường, bám lớp.Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả sách vở giấy bút nhưng họ đã vượt lên tất cả, cố gắng đến phi thường, âm thầm và tự giác đưa nhà trường vượt qua mọi trở ngại đi lên.Trường Phù Việt tự hào nhiều năm là đơn vị  dẫn đầu tỉnh; tổ khoa học xã hội là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được tặng danh hiệu “Tổ lao động XHCN” và Huân chương lao động hạng Ba; các trường Kênh- Liên đạt đơn vị tiên tiến cấp huyện, nhiều năm đạt tiên tiến xuất sắc. Đội ngũ các thầy, cô giáo trình độ chuyên môn giỏi, hết lòng thương yêu học sinh, mãi mãi được nhân dân ghi nhớ. Đó là các thầy: Bùi Văn Nguyên,Trần Văn Liễu, Bùi Thân, Thái Văn Khoa, Trần Hậu Phong, Võ Trí Triển, Nguyễn Văn Bá, Lê Đình Thanh, Từ Duy Lý, Nguyễn Thị Lục...Nhờ có đội ngũ thầy, cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề, hết lòng chăm sóc dạy bảo nên các thế hệ học trò có nhiều người học giỏi nổi tiếng. Điển hình như: Thái Tuấn, Bùi Quang Kinh, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Bá Chương, Lê Quán Tần, Đậu Thị Hồ, Nguyễn Bá Bốn, Từ Hảo, Vương Khả Cúc, Trương Xuân Hương,Trần Hậu Khang, Nguyễn Minh Đức, Thái Thị Loan, Nguyễn Công Hồng v.vv...Lớp học trò ngày ấy bây giờ nhiều người là Giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sỹ, kỹ sư, sỹ quan cao cấp, nhà doanh nghiệp...đang sống và làm việc khắp mọi nơi.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1989, trước yêu cầu khách quan của phát triển GD-ĐT, 2 trường THCS của xã Thạch Kênh và xã Thạch Liên có quyết định sáp nhập thành Trường THCS Kênh Liên.Trường là một trong số ít các trường THCS liên xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh ngay sau khi sáp nhập đã khẳng định sự vượt trội của mô hình mới.Vì vậy, năm 1994, thầy Hiệu trưởng Phạm Xu được Sở GD- ĐT Hà Tĩnh  chọn đi báo cáo điển hình về kinh nghiệm chỉ đạo nhập trường liên xã để nhân rộng ra toàn tỉnh. Thành công này cũng tạo tiền đề để năm 2002 huyện Thạch Hà sáp nhập trường THCS Phù Việt với trường THCS Kênh Liên thành trường THCS Bắc Hà.Việc nhập trường liên xã  tạo được sự đồng thuận rất cao trong cán bộ và nhân dân cả ba địa phương vì ai cũng hiểu quy mô trường được mở rộng mới có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất. Đây đó một vài nơi khi nhập trường liên xã gặp khó khăn, nhưng với ba xã Việt- Kênh-Liên thì hết sức thuận lợi. Điều này cũng là lẽ thường tình bởi trong lịch sử  có thời kỳ “ba xã trong một” với tên gọi Đại Liên và cội nguồn của nhà trường hôm nay chính là Trường trung học Thạch Hà  thành lập năm 1949.Càng vinh dự hơn, năm 2010, trường được mang tên nhà giáo Nguyễn Thiếp, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, vị Bí thư Tỉnh ủy chính thức đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, người con yêu quý của quê hương Phù Việt.

Đến với trường THCS Nguyễn Thiếp hôm nay chúng ta vui mừng bởi khung cảnh sư phạm khang trang, sạch đẹp đã thay thế cho hình ảnh ngôi trường với những dãy nhà cấp 4 thiếu thốn, chật hẹp trước đây.Có một nền tảng vững chắc để dạy và học, những năm qua, trường đã thực sự có một cuộc đổi mới cả trong cách nghĩ, cách làm, để tiếp tục khẳng định vị trí của  mình. Trường đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục toàn diện cùng với các hoạt động khác như phong trào Đoàn đội, TDTT, văn nghệ, quyên góp ủng hộ người nghèo... tạo môi trường học tập thân thiện và tích cực. Đồng thời luôn chú trọng giáo dục truyền thống và đạo đức cho học sinh, kết hợp dạy chữ với dạy người. Vì vậy 95% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên, tỷ lệ trung bình, yếu giảm dần. Chất lượng văn hóa đại trà cũng như mũi nhọn học sinh giỏi khá cao, khẳng định vị trí của mình trong hệ thống các trường học của huyện Thạch Hà; hiện trường đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn Quốc gia trong năm học 2012-2013.

Từ trường Trung học Thạch Hà đến THCS Nguyễn Thiếp trên quê hương “Làng đỏ” hôm nay đã 63 năm, trường đã qua nhiều lần tách- nhập, đổi tên cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.Qua ngần ấy năm, mái trường thân yêu đã có gần 300 cán bộ, giáo viên đã và đang công tác. Các thế hệ thầy, cô giáo nối tiếp nhau, kiên trì, nhẫn nại như mạch nguồn phù sa vun đắp cho trường lớn mạnh, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đào tạo trên 6.500 học sinh. Từ mái trường này, lớp lớp học sinh đã trưởng thành, tung cánh bay xa, bay cao trên khắp mọi miền, trở thành những nhà khoa học, cán bộ quản lý, sĩ quan quân đội và công an, nhà báo, nhà giáo, nhà doanh nghiệp, người lao động có văn hóa... mang ước mơ, hoài bão của mình dựng xây đất nước. Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Sở và Phòng GD-ĐT, cũng như nhân dân các địa phương. Hơn 60 năm mái trường này in dấu nghĩa tình sâu nặng; tình dân- nghĩa Đảng gắn bó keo sơn khi cùng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” cao quý; tình đồng bào, đồng nghiệp thủy chung, son sắt; tình nghĩa thầy trò, bạn bè sâu nặng.Tháng mười một này, chúng ta trở lại thăm ngôi trường của tuổi thơ với bao ký ức xao động trong tâm hồn. Xin tri ân những người đã có công sáng lập ngôi trường và tri ân các thầy, cô giáo đã không quản sớm hôm vất vả dạy chúng ta biết “kiêu hãnh làm người”...

HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEBSITE
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay55
  • Tháng hiện tại10,307
  • Tổng lượt truy cập2,060,882
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây