Trường THCS Nguyễn Thiếp - Thạch Hà - Hà Tĩnh

http://thcsnguyenthiep.pgdthachha.edu.vn


Trận đánh cuối cùng sau khi tướng Đờ Cát đầu hàng

Chiều 7/5/1954, tướng Đờ Cát đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam. Nhưng ít ai biết, có một trận đánh không kém phần ác liệt đã diễn ra sau khi trung tâm Mường Thanh thất thủ.

Trận đánh cuối cùng sau khi tướng Đờ-Cát đầu hàng
Ông Nguyễn Quang Phiệt - cựu chiến binh Điện Biên hồi tưởng lại trận đánh ở Hồng Cúm trong đêm 7/5, sáng ngày 8/5/1954.
Sợ không tránh được sự khắc nghiệt của thời gian khi các cụ từng là lính Điện Biên đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nên hễ có kết nối, ngay lập tức chúng tôi lên đường. Tuổi già, sự bào mòn của thời gian, của trăm ngàn áp lực không tên của cuộc sống thường nhật đã khiến nhiều người lính không còn đủ minh mẫn để nhớ hết về những gì đã diễn ra cách đây đúng 60 năm. Nhưng ở cái tuổi 82, cụ Nguyễn Quang Phiệt (Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) vẫn còn tinh anh và minh mẫn lắm.

Câu chuyện hào hùng 60 năm về trước cứ hiển hiện trong cuộc chuyện trò của 2 ông cháu. Một câu chuyện mà rất ít sử sách ghi lại, về một cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt sau khi tưởng Đờ Cát xin hàng.

Trung đoàn 57, sư đoàn 304 của Nguyễn Quang Phiệt được lệnh đánh cứ điểm Hồng Cúm, nơi cách trung tâm Mường Thanh 7 cây số. Tối ngày 6/5/1954, được truyền lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp về hiệu lệnh xuất kích, Nguyễn Quang Phiệt biết rằng chiến dịch đã đi đến hồi quyết định.

“Khoảng 10h đêm ngày 6/5, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nghe tiếng ‘ục” trong lòng đất của khối bộc phá gần 1.000kg phát nổ ở đồi A1, chúng tôi biết hiệu lệnh tấn công đã phát. Tất cả lao lên khỏi hào giao thông và hầm cá nhân. Tại Hồng Cúm, cuộc chiến đấu giữa hai bên diễn ra trong thế giằng co ác liệt. Giặc điên cuồng chống trả các cuộc tấn công của quân ta. Rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống…”, ông Phiệt nhớ lại.

Trận đánh cuối cùng sau khi tướng Đờ-Cát đầu hàng
Trải qua 10 năm quân ngũ nhưng khoảng thời gian ở Điện Biên đối với ông là cả một niềm tự hào về tuổi trẻ của mình.

Đến 5h chiều ngày 7/5/1954, từ bên Hồng Cúm, ông Phiệt và các đồng đội của mình nhìn thấy từng đoàn lính Pháp giương cờ trắng lũ lượt ra hàng. Những chiếc khăn trắng bao trùm lòng chảo Mường Thanh! Mường Thanh thất thủ, tường Đờ-Cát đã xin hàng! Niềm vui sướng vỡ òa lồng ngực.

Nhưng đó là ở khu trung tâm. Riêng tại Hồng Cúm, địch vẫn ngoan cố cố thủ. Những cuộc tấn công của quân ta đều bị đánh bật trở ra. Tối ngày 7/5, sau khi yêu cầu Đờ Cát gọi điện hạ lệnh cho Hồng Cúm đầu hàng không có kết quả, trung đội trưởng trung đội 55 bắc loa lên gọi địch đầu hàng. Thế nhưng, đáp lại thiện chí của Việt Minh, địch điên cuồng đáp trả bằng hỏa lực mạnh.

“Trước tình thế đó, ta sử dụng pháo bắn cấp tập vào đội hình địch trong suốt 15 phút rồi xung phong tấn công. Khác với sự điên cuồng đáp trả lúc nãy, hàng trăm tên địch vứt vũ khí tháo chạy khỏi trận địa. Quân ta được lệnh truy kích. Đến sáng ngày 8/5, đơn vị tôi phát hiện một đại đội địch đang cố gắng vượt qua cửa khẩu Tây Trang để chạy sang Lào và bắt gọn”, ông Phiệt kể tiếp.

Sau gần một ngày đêm truy kích, 1.000 tên địch đã bị bắt làm tù binh. Ông Phiệt và đồng đội đã được tận hưởng niềm vui chiến thắng sau những đồng đội khác 1 ngày. Số tù binh này được tập trung trên đường 41, đơn vị ông Phiệt có nhiệm vụ phải áp giải về Kim Tân (Thanh Hóa).

“Thấy đồng đội ngồi trên xe tươi cười vẫy hoa với đồng bào đứng 2 bên đường còn mình thì tiếp tục hành quân, áp tải tù bình cũng thấy chạnh lòng lắm”, ông Phiệt cười. Nếu những người lính khác như “đi trên mây” vì niềm vui chiến thắng thì ông và đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ hậu chiến cũng hết sức quan trọng này.

Trận đánh cuối cùng sau khi tướng Đờ-Cát đầu hàng
Người lính Điện Biên năm xưa và ý tưởng về biểu tượng của Hội, với hình ảnh của người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Công tác tù binh là một chính sách nhân đạo chiến tranh của ta. Bởi vậy, bên cạnh việc đảm báo cho tù bình không bỏ trốn, lực lượng áp giải phải đảm bảo an toàn sức khỏe và đảm bảo các yêu cầu thiết yếu dành cho tù binh. “Vào thời điểm đó, nan giải nhất là lương thực và thuốc lá cho tù binh, chủ yếu là lính Âu - Phi. Dù lương thực dành cho bộ đội thiếu thốn đủ bề nhưng cũng phải đảm bảo bữa ăn cho tù binh. Mỗi khẩu phần dành cho tù binh bằng với khẩu phần của bộ đội nhưng so với thể trạng cao lớn của họ thì chẳng thấm tháp vào đâu.

Bên cạnh đó, hầu hết lính Âu - Phi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đều nghiện thuốc lá rất nặng. Dọc đường áp giải tù binh, chúng tôi chứng kiến nhiều chuyện dở khóc, dở cười của lính Pháp. Nhiều khi nghiện thuốc chịu không nổi, mấy ông còn mang cả đồng hồ ra đổi thuốc lào của dân công. Dù thuốc lá đối với bộ đội ta cũng hết sức quý nhưng chúng tôi đều phải “chia” cho tù binh”, ông Phiệt nhớ lại.

Sợ hãi, nhiều tù binh vẫn nung nấu ý định chạy trốn khiến đơn vị áp giải hết sức vất vả. Sau nhiều ngày, đoàn tù binh cũng đã được đưa tới trại Kim Tân (Thanh Hóa) để khai thác thông tin và thực hiện chính sách trao trả tù binh giữa 2 nước. Ông Phiệt cùng đơn vị được lệnh hành quân tham gia bảo vệ và tiếp quản thủ đô.

Cuộc đời quân ngũ 10 năm (năm 1963 ông chuyển ngành) đã để lại trong ông những ký ức đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ. Nhắc tới Điện Biên Phủ, trong ông là cả một niềm tự hào lớn lao bởi lẽ, ông đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Để rồi, những ký ức của một thời hoa lửa ấy vẫn tái hiện trong những buổi nói chuyện tại các trường học vào mỗi dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. “Để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử cũng là cách để bồi đắp tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc”, cựu chiến binh Điện Biên Nguyễn Quang Phiệt nói.

Hoàng Lam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây